Vấn đề đặt ra là chơi game online như thế nào là phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa bảo đảm học tập, sinh hoạt? Trên thực tế, nhiều người trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên đã dành quá nhiều thời gian cho game online, khiến cuộc sống thực và ảo lẫn lộn, dễ dẫn đến các hành vi lệch lạc, phát triển không bình thường về mặt xã hội.
Nói về kết quả cuộc khảo sát nhanh học sinh của trường, thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hơn 80% học sinh của trường từng chơi game online, trong đó nhiều học sinh khẳng định lý do “chơi game online vì rất vui”. Lứa tuổi học sinh luôn thích tìm tòi, khám phá cái mới. Hiện nay, hầu hết các em đều được gia đình trang bị thiết bị điện tử thông minh để hỗ trợ việc học tập. Đây cũng là cơ hội để các em tham gia game online nếu không có sự kiểm soát tốt từ bố mẹ, người thân”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/12/2020/09/12/vuhuyen/1292020huyen27.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Tọa đàm về game online tại Trường THPT Thành Nhân, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. |
Theo các chuyên gia giáo dục, tham gia các trò chơi điện tử trực tuyến không phải là hành vi xấu. Đây là một loại hình giải trí, nhưng nếu không kiểm soát, không làm chủ được sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phân tích: Học sinh, sinh viên nghiện game online sẽ dẫn đến không phân biệt thế giới ảo và thật, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi trong cuộc sống thật, gây ra nhiều hệ lụy đến gia đình và xã hội. Do đó, cần giúp lứa tuổi này nhận diện những tác hại của nghiện game online, như: Ảnh hưởng đến kết quả học tập, suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm sinh lý...
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành giúp giới trẻ “cai nghiện” game online, ông Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao cho rằng: “Phần lớn học sinh, sinh viên ban đầu chỉ chơi game online từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, dần dần mất kiểm soát bản thân nên thời gian tăng lên theo dạng “ăn cùng game, ngủ cùng game”. Ở lứa tuổi học sinh chỉ nên chơi game, nhất là game online khoảng 30 phút/ngày. Game online được ví như một viên kẹo bọc đường và các phần thưởng trong game chính là liều thuốc nghiện sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính các em”.
Đề cập đến trách nhiệm quản lý con em đối với trò chơi trực tuyến, nhiều chuyên gia nhìn nhận, đầu tiên phải xuất phát từ phía gia đình. Người lớn nên đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game online, cho con tiếp cận những thông tin nói về tác hại của nghiện game online, không nên sử dụng hình thức khen thưởng việc tốt của con bằng việc cho chơi game... Cùng với đó, nên xây dựng một không khí gia đình đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương, cho con tham gia các trò chơi bổ ích, giao lưu trong môi trường lành mạnh để có định hướng sống tích cực. Ngoài ra, trường học cũng cần đề cao vai trò giáo dục, đồng hành cùng học sinh, sinh viên phát triển tư duy học tập, lối sống tích cực.
Bài ảnh: ANH DŨNG